xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cầu – hầm Thủ Thiêm: Hành trình 10 năm và...

Theo SGGP

Cầu Đà Rằng bắc qua sông Ba (Phú Yên), dài nhất miền Trung (1.512m), vừa được khánh thành sau một thời gian thi công nhanh kỷ lục: 15 tháng. Có một kỷ lục ngược lại ở TP Hồ Chí Minh: Cầu Thủ Thiêm sau hơn 10 năm thiết kế, bàn cãi vẫn chưa được khởi công…

Từ cầu...

Từ tháng 10-1994, người dân TPHCM đã bắt đầu nhắc đến cụm từ “cầu Thủ Thiêm” với nhiều niềm vui về một cây cầu sẽ được bắc qua sông Sài Gòn khi có thông tin Sở Xây dựng cùng với tập đoàn Dywidag Euromill bắt đầu nghiên cứu nhiều phương án chi tiết dự án xây dựng. Theo đó, tập đoàn Dywidag Euromill sẽ đầu tư 114,1 triệu USD, trong đó 72,6 triệu USD sẽ được dùng để xây một cây cầu có tổng chiều dài 1.065m, rộng 26,6m với 6 làn xe vượt sông Sài Gòn từ phía đường Tôn Đức Thắng bắc qua Thủ Thiêm.

Tháng 5-1995, trong chuyến vào làm việc tại TPHCM, nguyên Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt cũng đã dành nhiều thời gian để đi thực địa dọc sông Sài Gòn để xem xét dự án trên. Ông nói, dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm “là khả thi, phải làm và làm ngay không bàn cãi nữa”. Tuy vậy, mãi đến tháng 3-1996, Hội đồng thẩm định Nhà nước mới xem xét về dự án xây cầu Thủ Thiêm và đến tháng 10-1996, UBND TP mới trình Thủ tướng phê duyệt dự án này. Hai phương án được đưa ra gồm cầu cao có xoắn ốc và cầu thấp có nhịp mở cũng được phân tích ưu khuyết và TPHCM cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Tháng 1 và 2-1997, Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án cầu Thủ Thiêm và có tờ trình Thủ tướng quyết định về chủ trương đầu tư và cho phép lập dự án khả thi xây cầu. Trước đó, Bộ Xây dựng và Bộ Kế hoạch-Đầu tư cũng đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ với ý kiến thống nhất như ý kiến của Bộ GTVT về phương án cầu Thủ Thiêm và hình thức đầu tư xây dựng công trình. Thế nhưng, cũng từ đây bắt đầu nảy sinh nhiều vấn đề khi dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm được cho là ảnh hưởng tới Nhà máy Đóng tàu Ba Son. Ngoài ra, dự án xây cầu thấp cũng được cho sẽ gây trở ngại cho tàu vào ra Tân Cảng. Biện pháp xây dựng cầu cao được đưa ra nhưng lại cũng gặp rắc rối do kinh phí bị đẩy lên quá cao, thậm chí gần ngang bằng với chuyện xây hầm… Ý kiến vào ra, không kết luận được…

Tháng 5-1997, UBND TPHCM tổ chức một cuộc hội thảo về dự án công trình vượt sông Sài Gòn qua Thủ Thiêm. Cuộc họp này kết luận chọn phương án đường hầm ở vị trí đường Hàm Nghi (thay vì vị trí Bến Chương Dương) và đánh giá vị trí này phù hợp với quy hoạch của TP. Cuộc họp đã đề nghị Công ty tư vấn Maunsell và đối tác VN nghiên cứu thêm để phương án đường hầm Hàm Nghi trở thành phương án khả thi đầu tư xây dựng. Mệt mỏi, tháng 6-1997, tập đoàn Dywidag Euromill đành gửi công văn đến UBND TP cho biết do có dự án xây hầm ngoài dự kiến, nên tập đoàn chỉ tiếp tục dự án làm cầu khi điều kiện của VN cho phép trong vòng 2, 3 năm tới. Và kết quả cuối cùng dự án cầu Thủ Thiêm ở đường Tôn Đức Thắng đành xếp lại.

...Đến hầm

Tháng 1-1998, Sở GTCC ra thông báo dự án nghiên cứu khả thi công trình vượt sông Sài Gòn qua Thủ Thiêm và đồng ý cử Công ty Maunsell bảo vệ dự án trước Hội đồng thẩm định Nhà nước. Tháng 2-1998, Ban Quản lý dự án 8681 (Sở GTCC) – đơn vị lập dự án xây hầm qua Thủ Thiêm – có văn bản trình Sở GTCC xem xét để trình các cấp có thẩm quyền thẩm định và duyệt luận chứng nghiên cứu khả thi.

Theo đó, đã xác định quy mô xây dựng đường hầm dài 1.704,6m, bề rộng cửa hầm mỗi ngăn hai làn xe. Tổng kinh phí xây dựng 123,5 triệu USD. Dự án này đã được tập đoàn Lote (Hàn Quốc) dự tính đầu tư xây dựng theo phương thức BT đổi đất ở Thủ Thiêm. Thế nhưng vào tháng 3-1998, Sở GTCC lại cho biết, do phía Hàn Quốc đang gặp khó khăn về kinh tế nên dự án cũng bị ảnh hưởng, và không biết chắc họ có còn làm hay không. Ban Quản lý dự án lại chuyển sang cung cấp tài liệu cho Bộ Kế hoạch-Đầu tư để kêu gọi các tập đoàn Mỹ đầu tư.

Ngày 6-6-1998, theo thông báo Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt ý kiến của nguyên Phó Thủ tướng Ngô Xuân Lộc về các dự án đầu tư xây dựng ở TPHCM, theo đó, dự án cầu Thủ Thiêm cần triển khai theo hướng nghiên cứu cầu mở, thuê tư vấn nước ngoài và tìm đối tác để vay vốn ODA thực hiện. Tiếp đó, trong văn bản ngày 7-10-1998 gửi các Bộ Kế hoạch-Đầu tư, Bộ Quốc phòng, Bộ GTVT, Bộ Xây dựng, UBND TPHCM đã đề nghị xem xét phương án xây dựng cầu qua Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn tại vị trí phía Bắc rạch Thị Nghè.

Vị trí xây cầu là hướng tuyến đường Ngô Tất Tố (Bình Thạnh) vượt đường Lê Thánh Tôn nối dài, về phía Thủ Thiêm cầu được nối với trục đường chính của khu đô thị mới. UBND TP cho rằng đây là phương án tốt nhất để nghiên cứu đầu tư cầu vượt sông Sài Gòn đầu tiên trong ba công trình vượt sông đã được duyệt theo quy hoạch chung của TP. Dự kiến cầu có chiều dài khoảng 950 – 1.000m, có tĩnh không thông thuyền 15m, có nhịp mở với bề rộng thông thuyền 80m với tổng đầu tư khoảng 70 triệu USD.

Theo UBND TP, ưu điểm của phương án này là vị trí xây cầu không phá vỡ cảnh quan khu vực trung tâm TP, các ngành liên quan cũng đã làm việc với quân cảng, Nhà máy Ba Son, các đơn vị… và thống nhất đánh giá phương án đầu tư này hạn chế được mức thấp nhất các ảnh hưởng đến hoạt động của hai đơn vị trên. Hơn nữa, trước đó, trong quyết định của Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch TPHCM cũng nêu rõ cần làm cầu Thủ Thiêm trước khi xây dựng hầm.

Thế nhưng, đến đầu tháng 3-1999, trong văn bản gửi đoàn nghiên cứu của Saprof (Nhật) trả lời về các công trình vượt sông Sài Gòn, Sở GTCC cho biết TPHCM đã quyết định đề xuất với OECF (Quỹ Hợp tác kinh tế hải ngoại của Nhật) lại chọn phương án… xây hầm qua Thủ Thiêm. Theo lý giải của Sở GTCC khi đó, nếu xây cầu cao để đảm bảo cho Tân Cảng hoạt động bình thường thì giá thành không thấp hơn làm hầm bao nhiêu mà lại làm phá vỡ toàn bộ cảnh quan. Trong tương lai, nếu Tân Cảng dời đi thì xây cầu cao rất lãng phí, còn xây thấp thì lại cản trở các phương tiện thủy ra vào Tân Cảng, và phương án hầm vì vậy nên được chọn đầu tư trước!

Lại tiếp tục bàn “cầu-hầm” hay “hầm-cầu”

Việc xây dựng cầu hầm lại được đem ra bàn cãi thêm… 3 năm. Đến đầu năm 2003, trong khi ngày khởi công hầm Thủ Thiêm vẫn chưa thấy đâu thì báo chí lại có thông tin thêm về chuyện xây… cầu, và không chỉ là một cây cầu mà là “sẽ có một cây cầu song hành Thủ Thiêm dành cho xe… bánh sắt”! Theo đó, Bộ GTVT và UBND TPHCM đã thống nhất giao cho Công ty tư vấn thiết kế GTVT nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm, đồng thời nghiên cứu đầu tư xây dựng cầu song hành (bên cạnh cầu Thủ Thiêm) cho phương tiện vận chuyển công cộng bánh sắt.

Vị trí xây dựng cầu được xác định trong phạm vi giữa Nhà máy Ba Son và Tân Cảng; kế hoạch di dời hệ thống cảng biển TPHCM, trong đó có Tân Cảng, dự kiến sẽ triển khai trước năm 2005! Sau đó là những thông tin ồ ạt về việc sẽ xây dựng cầu Thủ Thiêm tại khu vực nối tiếp đường Ngô Tất Tố (quận Bình Thạnh) và “sẽ triển khai xây dựng từ nay cho đến năm 2005”!

Thông tin rầm rộ, thế nhưng lại thêm một năm nữa trôi qua cầu vẫn chưa khởi công. Còn với hầm Thủ Thiêm, tháng 11-2003, thay vì đến lúc đã được khởi công như dự kiến thì lại… tiếp tục chờ với lý do trong báo cáo thẩm định của Viện Khoa học công nghệ xây dựng Bộ Xây dựng đã không thống nhất phương án… thiết kế của nhà thầu Obayashi (Nhật) về gói thầu xây dựng hầm vì đánh giá thiết kế này có nhiều… rủi ro!

Gần đến tháng 6-2004, nghĩa sắp đến “kỳ hạn khác” để khởi công cái hầm đã được dự định thì đùng một cái nữa, ngày 17-5-2004, một phó giám đốc Sở GTCC lại tuyên bố công trình khởi công xây dựng hầm Thủ Thiêm vẫn chưa thể khởi công vì cho đến lúc đó JBIC (Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản) vẫn chưa phê chuẩn kết quả đấu thầu Đại lộ Đông Tây, mà việc khởi công xây hầm Thủ Thiêm chỉ được thực hiện ít nhất sau hai tháng kể từ khi JBIC phê duyệt kết quả đấu thầu. Thông tin lại dời ngày khởi công xây hầm Thủ Thiêm được đưa ra trong khi công trình xây dựng cầu Thủ Thiêm vẫn đứng yên tại chỗ vì lý do chưa giải phóng được mặt bằng!

Bàn cãi hơn 10 năm vẫn chưa khởi công, hành trình của cầu-hầm Thủ Thiêm thật gian nan.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo