xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

35% người lao động bị suy giãn tĩnh mạch chân

THIỆN THÀNH

MẠCH MÁU.- Cuộc điều tra dịch tễ của tác giả Maison P.B. (Pháp) và các cộng sự thực hiện năm 1991 cho thấy tần suất mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch chân mạn tính ở người trưởng thành tại châu Âu là 60%. Theo y văn thế giới, tần suất mắc bệnh trong cộng đồng khoảng 35% ở độ tuổi lao động, 50% ở những người nghỉ hưu. Phụ nữ có tỉ lệ mắc bệnh cao gấp 4 lần nam giới.

Theo tạp chí Lancet (Anh), một tạp chí y khoa uy tín, chi phí trung bình cho bệnh này trong một năm ở Anh là 290 triệu bảng Anh; Pháp: hơn 118 triệu euro; Đức: hơn 1,2 tỉ euro.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh suy giãn tĩnh mạch chân là tình trạng có tĩnh mạch nông giãn; tĩnh mạch chạy quanh co và có dòng máu chảy theo chiều trái ngược nhau. Bình thường sự trở về tim của máu qua tĩnh mạch có được là nhờ các yếu tố: lực hút do tác động hô hấp của lồng ngực tạo ra áp lực âm; lực co bóp của các cơ ở chi có tác dụng đẩy máu về tim phải; sự đàn hồi của bao gân và gân cơ; trương lực của thành tĩnh mạch.

Trong lòng tĩnh mạch có các van một chiều ngăn không cho dòng máu chảy ngược về phía dưới. Khi thành tĩnh mạch bị suy yếu và các van này bị tổn thương sẽ sinh ra bệnh giãn tĩnh mạch.

Một nghiên cứu bước đầu về bệnh suy giãn tĩnh mạch chân mạn tính tại TPHCM do Giáo sư Văn Tần, Phó Giám đốc Bệnh viện Bình Dân, thực hiện năm 1997-1998 trên đối tượng từ 50 tuổi trở lên ghi nhận tần suất mắc bệnh là 43,97%, nữ giới mắc bệnh cao gấp 3,2 lần nam giới và lứa tuổi từ 50 đến 77 có tỉ lệ mắc bệnh cao nhất.

Có thể gây tử vong

Biến chứng của bệnh bao gồm: vỡ chỗ giãn tĩnh mạch ra ngoài, gây chảy máu nhiều và liên tục, nhất là khi bệnh nhân ở tư thế đứng hoặc ngồi. Cấp cứu trong trường hợp này cần cho bệnh nhân nằm, giơ chân cao và băng ép lại.

Viêm tắc đoạn tĩnh mạch bị giãn: Một đám tĩnh mạch hay một đoạn tĩnh mạch bị giãn như sợi dây thừng, thay đổi màu sắc, da ở vùng này sưng, đỏ và tăng nhiệt độ.

Loét dinh dưỡng da: Da nổi các vết sắc tố, mỏng đi và xuất hiện các vết loét dinh dưỡng do ứ trệ tuần hoàn và tăng áp lực tĩnh mạch tại chỗ. Chỗ loét có thể tự lành khi tình trạng ứ trệ tuần hoàn được cải thiện nhờ vào việc cho bệnh nhân nằm nghỉ tuyệt đối trên giường, chân kê cao hoặc do băng ép với áp lực.

Thuyên tắc lòng tĩnh mạch do hình thành cục máu đông. Nguyên nhân hình thành cục máu đông thường do rối loạn dòng chảy và ứ trệ tuần hoàn trong lòng tĩnh mạch. Cục máu đông có thể đi về tim và gây thuyên tắc động mạch phổi, một biến chứng rất nặng gây tử vong cho bệnh nhân trong vài phút, nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

77,6% bệnh nhân không biết mình mắc bệnh

Theo Giáo sư Phạm Khuê, nguyên Viện trưởng Viện Lão khoa Việt Nam, các thầy thuốc thực hành nhận xét có đến 80% bệnh nhân mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch chân mạn tính có cha hoặc mẹ mắc bệnh. Người ta còn tranh cãi rất nhiều về việc bệnh này có di truyền qua gien hay không? Một nghiên cứu báo cáo như sau: Cả cha và mẹ mạnh khỏe thì có 20% con cái mắc bệnh; một trong hai người (cha hoặc mẹ mắc bệnh) thì 25% con trai và 62% con gái mắc bệnh; nếu cả cha và mẹ cùng bệnh thì 90% con mắc bệnh.

Tài liệu giảng dạy sau đại học của Phó Giáo sư - tiến sĩ Đặng Vạn Phước, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho thấy đối với nước ta điều đáng nói là căn bệnh này ít được quan tâm. Có đến 77,6% bệnh nhân không biết mình mắc bệnh. Điều này phản ánh thực trạng: Bệnh nhân ít quan tâm và ngại đi khám, thầy thuốc bỏ sót và coi nhẹ các triệu chứng.

Một con số đáng buồn hơn, có đến 91,3% bệnh nhân không được điều trị và 8,7% được điều trị bằng các thuốc chữa triệu chứng: nặng chân và đau chân dùng Aspirin, phù chân dùng thuốc lợi tiểu. 

Các phương pháp điều trị

Điều trị nội khoa:

Phương pháp cơ bản nhất đối với bệnh suy giãn tĩnh mạch chân mạn tính, bao gồm: những thay đổi trong sinh hoạt hằng ngày một cách khoa học hơn, uống thuốc trợ tĩnh mạch...

Nếp sinh hoạt khoa học:

- Không đứng hay ngồi một chỗ quá lâu.

- Không nên để tăng cân.

- Khi nghỉ ngơi nên để chân cao hơn ngực, gác chân cao khi đi ngủ.

- Nên ăn nhiều rau, củ, quả và uống nhiều nước chống táo bón.

- Tăng cường các hoạt động thể dục thể thao, tốt nhất là đi bộ mỗi ngày 15 phút và đi nhanh gấp 3 lần bình thường.

- Tăng cường vận động hô hấp: hít thở sâu và đúng.

- Xoa bóp và ngâm chân trong nước ấm cũng rất tốt.

Băng ép và tất ép

 Nhằm tạo sự chênh lệch áp lực lớn ở phía dưới, áp lực nhỏ ở phía trên và làm giảm đường kính lòng mạch giúp máu tĩnh mạch lưu thông về phía trên dễ dàng hơn.

Băng ép và tất ép được sử dụng trong các trường hợp sau: dự phòng bệnh suy giãn tĩnh mạch mạn tính; hỗ trợ cho các biện pháp điều trị nội khoa; phòng ngừa tái phát...

Dù chỉ là băng ép hay tất ép nhưng phải được chỉ định và hướng dẫn bởi bác sĩ chuyên khoa vì phải được ép với áp lực phù hợp mức độ bệnh.

Thuốc tăng cường độ bền tĩnh mạch: Trong năm 1988 tại Pháp người ta thống kê có tới 13 triệu đơn thuốc tĩnh mạch và trong từ điển dược Vidal của Pháp có tới 80 dược phẩm có tác dụng trên tĩnh mạch khác nhau. Mỗi loại thuốc giải quyết được một hoặc vài rối loạn trên những rối loạn khá phức tạp của bệnh này.

Thuốc kháng đông: Được bác sĩ chỉ định khi phát hiện có sự hiện diện của cục máu đông trong lòng các tĩnh mạch, hoặc trên những bệnh nhân có nguy cơ thuyên tắc tĩnh mạch cao.

Điều trị thủ thuật và ngoại khoa

Chích xơ. Tĩnh mạch bao gồm ba hệ thống: nông, sâu và xuyên. Chích xơ chỉ dùng trong trường hợp tổn thương hệ thống tĩnh mạch xuyên. Bác sĩ sẽ chích thuốc gây xơ hóa toàn bộ tĩnh mạch. Bệnh nhân được chích xơ nhiều lần cho đến khi không còn giãn tĩnh mạch nữa.

Mổ cắt bỏ tĩnh mạch bị giãn

Có hai loại phẫu thuật.

Phẫu thuật thường được sử dụng là Stripping, còn gọi là phẫu thuật lột tĩnh mạch (kéo dài khoảng 5 – 10 phút). Đây là phẫu thuật đầu tay của chương trình đào tạo phẫu thuật viên mạch máu. Phẫu thuật này dùng trong tổn thương tĩnh mạch nông, (gồm tĩnh mạch hiển trong, tĩnh mạch hiển ngoài). Bác sĩ mở hai vị trí: Mắt cá trong bằng một đường rạch 1cm bộc lộ đầu dưới tĩnh mạch hiển trong; ở nếp bẹn một đường rạch khoảng 2cm ngay vị trí của tĩnh mạch hiển trong đổ vào tĩnh mạch đùi hoặc ngay khoeo nơi đổ vào của tĩnh mạch hiển ngoài. Dùng một dụng cụ có tên Stripper luồn từ dưới mắt cá trong đi lên trên nếp bẹn trong lòng của hệ thống hiển trong, sau đó kéo ngược trở lại và lôi toàn bộ tĩnh mạch bị giãn ra theo kiểu lộn ruột gà.

Loại phẫu thuật thứ hai: Chivas (kéo dài khoảng 10 – 20 phút) dùng cho  những trường hợp giãn từng đoạn ngắn, bác sĩ sẽ rạch và lấy từng đoạn tĩnh mạch ra. Sau phẫu thuật phải băng ép toàn bộ chi và nằm bất động trên giường ba ngày. Các tai biến có thể xảy ra: chảy máu, nhiễm trùng, mổ không được khéo sẽ hình thành cục máu đông ở mõm cắt nơi tĩnh mạch hiển trong đổ vào tĩnh mạch đùi gây thuyên tắc động mạch phổi.

Hiện nay trên thế giới, việc điều trị cơ bản vẫn là nội khoa và phẫu thuật. Một số công trình nghiên cứu nhằm tìm hiểu vai trò của laser trên bệnh suy giãn tĩnh mạch, nhưng kết quả vẫn chưa rõ ràng.

Tiến sĩ- bác sĩ Nguyễn Hoài Nam  (Giảng viên Trường Đại học Y Dược TPHCM)

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo