xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đưa pháp luật vào DN, hạn chế được tranh chấp lao động

Phạm Hồ

Sau 18 tháng thực hiện dự án “Tăng cường thực thi Bộ Luật Lao động Việt Nam”, trên 114.000 lao động được trang bị kiến thức pháp luật, qua đó góp phần ổn định quan hệ lao động, đời sống người lao động được cải thiện

"Qua việc tuyên truyền pháp luật, ý thức của người lao động (NLĐ) và cả người quản lý doanh nghiệp (DN) đã được nâng cao, góp phần quan trọng trong việc hạn chế tranh chấp lao động”. Ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM, Trưởng Ban Quản lý dự án “Tăng cường thực thi Bộ Luật Lao động tại Việt Nam”, đã nhận định trong hội nghị tổng kết dự án vào sáng 27-8. Dự án trên được triển khai từ đầu năm 2003 do Quỹ châu Á, LĐLĐ TPHCM, LĐLĐ tỉnh Bình Dương và LĐLĐ tỉnh Đồng Nai thực hiện, với tổng kinh phí 65.000 USD.

Tranh chấp vì không hiểu luật

Với trên 2 triệu lao động, khu vực TPHCM, Đồng Nai và Bình Dương là nơi tập trung đông lao động nhất nước và nơi đây cũng là điểm nóng về tranh chấp lao động tập thể: gần 100 cuộc đình công mỗi năm. Ông Huỳnh Văn Tịnh, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh Đồng Nai, cho biết: “Trên 90% các cuộc tranh chấp là do DN xâm hại quyền lợi của NLĐ. Đáng nói là hầu hết các cuộc đình công đều tự phát và chỉ khi các cơ quan chức năng can thiệp thì cả hai phía mới hiểu những quy định về quyền và trách nhiệm của mình”. Còn theo bà Châu Thị Kim Thu, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương, nếu hiểu biết về quyền và nghĩa vụ của mình thì khi các quyền lợi đó bị xâm phạm, NLĐ có thể nhờ các cơ quan chức năng can thiệp chứ không đòi quyền lợi bằng cách đình công. Vấn đề này càng trở nên nguy hiểm khi đình công được sử dụng như biện pháp đầu tiên, duy nhất để giải quyết tranh chấp.

Mặt khác, do thiếu hiểu biết, nhiều khi NLĐ lại chối bỏ cả quyền lợi của mình. Thời gian qua, không ít NLĐ tự thỏa thuận về quyền lợi BHXH với DN và nộp đơn xin không đóng BHXH. Đến khi biết bị thiệt thòi thì NLĐ lại đình công.

Tuyên truyền luật pháp cho doanh nghiệp

Khó khăn lớn nhất của dự án trên là làm sao cho cả người quản lý DN hiểu và hành xử đúng luật. Bà Trịnh Thị Hồng Vân, chuyên viên tư vấn pháp luật CĐ Khu Công nghiệp Biên Hòa – Đồng Nai, cho biết khi được đề nghị tuyên truyền pháp luật cho công nhân (CN), DN tìm cách né tránh. Có nơi khi tuyên truyền viên phát tài liệu cho CN thì DN cấm, vì cho rằng tuyên truyền luật là chống phá công ty!

Rất nhiều DN, chỉ sau khi xảy ra tranh chấp họ mới tìm đến LĐLĐ hoặc các trung tâm tư vấn pháp lý để được tư vấn. Kinh nghiệm được các tuyên truyền viên đúc kết là làm sao để DN thấy được hiệu quả của việc hiểu biết pháp luật. Khi hiểu ra, DN tự chấn chỉnh những sai phạm, quan hệ lao động được cải thiện. Ông Lý Trường Khang, Chủ tịch CĐ Công ty Hài Mỹ, cho biết chỉ trong vài năm, công ty thay đến 5 giám đốc nên chính sách lao động tại công ty cũng thường xuyên thay đổi. Vì vậy CĐ đã dịch những tài liệu về pháp luật lao động để giám đốc hiểu, qua đó thực hiện đúng những quy định cơ bản nhất của luật như: tiền lương, thưởng, thời gian làm việc, nghỉ ngơi... Chị Nguyễn Thùy Trang, CN Công ty Cổ phần Tấn Lợi, tỉnh Đồng Nai, nhận xét: “Hiểu luật, NLĐ sẽ tôn trọng những cam kết với công ty theo đúng luật, tránh được tranh chấp không đáng có”.

Hiểu luật để cùng phát triển

Theo ông Trần Thanh Hải, đưa pháp luật lao động đến với NLĐ và DN là vấn đề cơ bản để bình ổn quan hệ lao động. Với nguồn kinh phí ổn định, sự phối hợp, trao đổi kinh nghiệm thường xuyên ở các địa phương, dự án đã mang lại hiệu quả nhất định. Trong 6 tháng đầu của dự án, gần 200 tuyên truyền viên đã được đào tạo. Đội ngũ này chủ yếu là những cán bộ CĐ ở các khu tập trung CN, có nhiều kinh nghiệm nên hoạt động rất hiệu quả. Qua các đợt tuyên truyền, đã thu hút gần 200 nhà quản lý DN tham gia tìm hiểu luật lao động, sau đó, chính họ đã tổ chức phổ biến luật định kỳ ở đơn vị.

Sau 18 tháng thực hiện dự án, đã có trên 114.000 lao động ở các địa phương được tuyên truyền pháp luật lao động; trên 300.000 tài liệu đã được phát đến NLĐ. Một hiệu ứng tích cực khác là chính những người được tuyên truyền, trong quá trình làm việc họ lại phổ biến những hiểu biết của mình cho những lao động khác. Hiệu quả của công tác này đã được bà Châu Thị Kim Thu dẫn chứng: Trong năm 2003 trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã xảy ra 27 cuộc đình công, nhưng trong 6 tháng đầu năm 2004 chỉ xảy ra 7 cuộc.

   DIỄN ĐÀN QUẢN LÝ  

Ông Jonathan Stromseth, đại diện Quỹ châu Á:

Tiếp tục tài trợ chương trình tư vấn pháp luật

Chúng tôi thấy cần tăng cường hoạt động tư vấn pháp luật thông qua hệ thống CĐ và tuyên truyền viên để bảo vệ quyền lợi của NLĐ. Quỹ châu Á là tổ chức phi chính phủ, nguồn tài chính cũng không ổn định nhưng cũng đủ khả năng tài trợ cho những dự án tăng cường thực thi pháp luật. Về phía DN cũng hiểu việc này mang lại lợi ích cho chính DN.

Ông Phạm Ngọc Đoàn, Chủ tịch LĐLĐ quận Gò Vấp – TPHCM:

Đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền

Để thành công, việc tuyên truyền phải tập trung vào những quyền lợi và trách nhiệm cơ bản nhất để NLĐ dễ nắm bắt. Đồng thời in những tài liệu dạng sổ tay, hoặc tờ gấp nhỏ để phát cho NLĐ. Tại quận Gò Vấp đã thành lập Câu lạc bộ DN. Qua các buổi sinh hoạt của câu lạc bộ này, các tuyên truyền viên hoặc cán bộ CĐ sẽ đưa nội dung pháp luật lao động vào trao đổi học tập.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo